Triều đại Djoser

Độ dài triều đại

Manetho ghi lại rằng Djoser đã cai trị Ai Cập trong suốt 29 năm, trong khi bản danh sách Vua Turin ghi lại là 19 năm. Căn cứ vào số lượng các dự án xây dựng quan trọng của ông, đặc biệt tại Saqqara, một số học giả cho rằng Djoser phải có một triều đại kéo dài gần ba thập kỷ. Do đó, con số của Manetho đưa ra dường như chính xác hơn, theo như phân tích của Wilkinson và việc tái khôi phục lại tấm bia Biên niên sử Hoàng gia. Wilkinson sau khi tái khôi phục lại Biên niên sử đã xác định rằng triều đại của Djoser kéo dài "trọn vẹn 28 năm hoặc vài tháng của năm 28", điều này có được là nhờ vào sự kiện kiểm kê số lượng gia súc được ghi lại trên bia đá Palermo và mảnh vỡ 1 bia đá Cairo, tại thời điểm bắt đầu và kết thúc triều đại của Djoser, từ năm 1-5 và từ năm 19-28. Thật không may, hầu hết trong số các sự kiện năm đều không thể còn đọc được. Chỉ còn sự kiện năm đăng quang của nhà vua là còn nguyên vẹn, tiếp theo đó là những sự kiện cùng năm như " lễ đón nhận hai cây trụ cột" và "lễ kéo dây cho pháo đài Qau-Netjerw" ("những ngọn đồi của các vị thần")[4]

Thành tựu

Tấm bia đá Nạn Đói đề cập tới Djoser.

Sau khi lên ngôi, ông đã đem quân chinh phục các bộ lạc địa phương ở bán đảo Sinai. Ông cũng tổ chức các cuộc thám hiểm các mỏ quặng có giá trị như lam ngọc và đồng. Chúng ta biết được điều này là nhờ vào những dòng chữ khắc trên đá được tìm thấy trong sa mạc Sinai, và trên đó đôi lúc khắc họa cả biểu tượng của thần Seth cùng với biểu tượng của Horus, mà vốn khá phổ biến dưới triều đại của Khasekhemwy. Ngoài ra, bán đảo Sinai còn có tầm quan trọng về mặt chiến lược như là một vùng đệm nằm giữa vùng châu thổ sông Nile và châu Á.

Một số mảnh phù điêu vỡ được tìm thấy ở HeliopolisGebelein đã đề cập đến tên của Djoser và ghi lại rằng ông đã ra lệnh cho xây dựng các công trình ở những thành phố này. Ngoài ra, ông có thể đã ấn định biên giới phía nam của vương quốc tại thác nước thứ nhất trên sông Nile. Một tấm bia đá còn được biết đến với tên gọi Bia đá nạn đói được cho là có niên đại vào triều đại của Djoser, nhưng có lẽ nó đã được tạo ra dưới triều đại Ptolemaios, thuật lại rằng chính nhờ vào việc vua Djoser đã cho xây dựng lại ngôi đền Khnum trên hòn đảo Elephantine tại thác nước thứ nhất, mà vì thế nạn đói kéo dài bảy năm ở Ai Cập đã kết thúc. Một số học giả coi câu chuyện cổ này giống như là một truyền thuyết được lưu truyền vào thời điểm tấm bia đá này được khắc. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng hơn hai ngàn năm sau người Ai Cập vẫn còn nhớ đến Djoser.

Mặc dù dường như lúc đầu Djoser đã cho xây dựng một lăng mộ dang dở tại Abydos (Thượng Ai Cập), cuối cùng thì bản thân ông lại được an táng trong kim tự tháp nổi tiếng của mình tại SaqqaraHạ Ai Cập. Bởi vì vua Khasekhemwy là vị pharaoh cuối cùng được chôn cất tại Abydos, cho nên một số nhà Ai Cập học suy luận rằng quá trình dời đô phía bắc đã được hoàn tất dưới triều đại của Djoser.